Lương tối thiểu tăng tối đa 400.000 đồng từ 1/1/2015

19:56

Từ 1/1/2015, nhiều nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu có hiệu lực…

Theo Nghị định 103/2014/NĐ-CP, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 250.000 – 400.000 đồng/tháng. Từ 1/1/2015, nhiều nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu có hiệu lực.
Áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới
Theo Nghị định 103/2014/NĐ-CP, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 250.000 – 400.000 đồng/tháng.
Cụ thể vùng 1: 3.100.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng); vùng 2: 2.750.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng); vùng 3: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng) và vùng 4: 2.150.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng).
Nghị định cũng quy định rõ người lao động đã qua học nghề, bao gồm: người đã được doanh nghiệp đào tạo hoặc tự học nghề và được kiểm tra, bố trí làm công việc yêu cầu phải qua đào tạo nghề; người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ nghề của cơ sở nước ngoài; người có chứng chỉ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề hoặc hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề và người đã được cấp bằng nghề, trung cấp nghề… theo quy định tại Luật Giáo dục 1998, Luật Giáo dục 2005 và các quy định liên quan.
Mức lương của những đối tượng nêu trên phải cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng.
Nghỉ ốm 14 ngày/tháng không phải đóng bảo hiểm y tế
Theo Nghị định 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 1/1/2015 thì người lao động trong thời gian nghỉ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng trước khi nghỉ thai sản.
Người lao động nghỉ hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế.
Người lao động bị tạm giam, tạm giữ sẽ đóng bảo hiểm y tế bằng 50% mức đóng bình thường, nếu sau khi có kết luận là không vi phạm pháp luật thì phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh.
Thời gian người lao động làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp vẫn được tính là thời gian tham gia bảo hiểm y tế. Bảo hiểm ý tế sẽ thanh toán 80% chi phí điều trị đối với tai nạn lao động.
Cũng theo nghị định, Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm ý tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo (thời gian hỗ trợ 5 năm sau khi thoát nghèo), hộ cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.
Người thuộc hộ gia đình cận nghèo còn lại được hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế..
Tăng mức phạt xe chở quá tải

Theo Nghị định 107/2014/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa chở hàng vượt trọng tải cho phép trên 100% sẽ bị phạt tiền từ 7 đến 8 triệu đồng (hiện tại cao nhất là 7 triệu).
Đồng thời phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước quy định theo hướng dẫn của lực lượng chức năng tại nơi phát hiện vi phạm.
Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 3 tháng.
Mặt khác, chủ xe ô tô để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia trên 100% sẽ bị phạt tiền từ 32 – 36 triệu đồng đối với tổ chức, 16 – 18 triệu đồng đối với cá nhân (trước đây không có quy định này).
Trường hợp tổng trọng lượng cho phép tham gia giao thông của xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 100% cũng sẽ bị phạt với mức như trên, trừ trường hợp có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.
Trường hợp tái phạm đối với cùng một phương tiện mà phương tiện đó có thùng xe không đúng theo quy định hiện hành còn bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và Tem kiểm định của phương tiện trong thời hạn 01 tháng. Đồng thời, phải thực hiện điều chỉnh thùng xe theo đúng quy định hiện hành và đăng kiểm lại trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông.

Điểm mới về thu phí thoát nước thải sinh hoạt
Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải tại đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư nông thôn tập trung quy định hộ thoát nước đã thanh toán tiền dịch vụ thoát nước theo nghị định này thì sẽ không phải trả phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Đối với địa phương đang thực hiện thu phí thoát nước có lộ trình điều chỉnh theo nghị định 88/2007/NĐ-CP thì sẽ tiếp tục thực hiện đến lần điều chỉnh tiếp theo sẽ thực hiện theo quy định tại nghị định này.
Ngoài ra để khuyến khích phát triển, các dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung được hỗ trợ: ưu đãi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào bằng nguồn vốn ngân sách địa phương…

Nhiều tàu thuyền phải lắp đặt thiết bị LRIT
Theo quyết định 62/2014/QĐ-TTg tàu thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế trong phạm vi vùng biển A1, A2, A3 và tàu thuyền mang cờ quốc tịch nước ngoài hoạt động trong vùng thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa của Việt Nam phải được lắp đặt thiết bị LRIT theo quy định của Công ước SOLAS.
Bao gồm: tàu chở khách, bao gồm cả tàu cao tốc chở khách, hoạt động trên tuyến quốc tế; tàu chở hàng, bao gồm cả tàu cao tốc chở hàng, có tổng dung tích từ 300 GT trở lên, hoạt động trên tuyến quốc tế; giàn khoan di động.
Đối với tàu biển chỉ hoạt động trong vùng biển A1 và đã được lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động AIS thì được miễn trừ việc lắp đặt thiết bị LRIT.

You Might Also Like

0 nhận xét

Like us on Facebook

Flickr Images